Agustín Barrios Mangore (1885 – 1944)
CHƯƠNG 1
Thời thơ ấu
Năm 1885, Barrios được sinh ra tại một thị trấn nhỏ yên tĩnh của San Juan Bautista ở quận Misiones, phía Nam đất nước Paraguay, là vùng đất nông nghiệp và chưa phát triển, như phần lớn đất nước này. Đến thời điểm hiện tại, thị trấn Barrios được sinh ra không thay đổi nhiều so với thời điểm Barrios ra đời, ngoại trừ có thêm hai tượng đài tưởng niệm Barrios ở quảng trưởng trung tâm. Mặc dù được sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, không ai ngờ rằng cậu trai trẻ ở một đất nước nhỏ vùng Nam Mỹ sẽ trở thành một trong những bậc thầy lừng danh của một loại nhạc cụ.
Cha của Agustín, ông Doroteo Barrios người Argentina đã kết hôn cùng một người phụ nữ người Paraguay tên Martina Ferreira. Doroteo giữ chức phó lãnh sự Argentina ở quận Misiones. Martina là một giáo viên, Agustín có lẽ đã được thừa hưởng từ bà tình yêu thơ và văn chương.
Cả cha mẹ của Agustín đều là giới trí thức, yêu thích nghệ thuật. Ông Doroteo có một thư viện rộng lớn, một trong những thư viện hoàn chỉnh nhất của vùng Misiones. Doroteo và Martina có bảy người con trai: Rómulo (1874), Héctor (1875), Virgilio (1874), José (1881), Agustín (1885), Diodoro (1888) và Martín (1895).
Ông Doroteo là tay guitar nghiệp dư, ông chơi những giai điệu phổ biến như polka, valse và zambas. Ông cùng hai người anh em ruột là Pedro chơi violin và Cornelio chơi sáo flute thành lập nhóm tam tấu, họ chơi nhạc vào những dịp đặc biệt. Agustín học đàn bằng cách bắt chước cha mình, ông Doroteo tặng cho cậu một cây đàn guitar nhỏ, thứ giúp cậu ấy tạo ra “những âm thanh tuyệt diệu” và cuốn hút bạn bè.
Sau này, gia đình Barrios thành lập một “dàn nhạc nhỏ”. Rómulo chơi đàn harpe, Héctor chơi đàn violin, Virgilio chơi sáo, còn José, Agustín and Diodoro chơi guitar.
Người thầy duy nhất của Barrios, Sosa Escalada
Vào năm 1898, Barrios đã gặp một người có ảnh hưởng lớn nhất cuộc đời, Gustavo Sosa Escalada (1844-1944), ông là người Paraguay sinh ra tại Argentina. Vào thời niên thiếu, Sosa Escalada sống ở Buenos Aires, nơi ông học đàn guitar cổ điển với Carlos García Tolsa, Juan Alaís và Antonio Ferreyro.
Sosa Escalada quay về Paraguay năm 1895, nơi ông ấy sẽ tham gia một buổi hòa nhạc tại Asunción. Ông dạy guitar cổ điển từ năm 1897 đến 1909 ở một trưởng tư thục theo phương pháp của Fernando Sor, Dionisio Aguado and Fernando Carulli. Ông có tình bạn thân thiết với Héctor Barrios, điều này khiến ông dành thời gian nghỉ của mình đến thăm San Juan Bautista vào năm 1898. Suốt thời gian lưu lại ở nhà Barrios, ông lần đầu tiên nghe Agustín chơi guitar, ông ngay lập tức bắt đầu đưa ra bài học cho cậu bé tài năng, đồng thời ông thuyết phục cha mẹ cậu bé cho phép cậu đến Asunción ông tiếp tục dạy nhạc và đàn guitar.
Sau đó, trên một tờ nhật báo ở Guatemalan vào năm 1933, Barrios đã tuyên bố về lần gặp gỡ đầu tiên ấy: “Tôi đã nghe ông ấy chơi đàn và thật tuyệt vời khi tôi phát hiện “thứ nhạc cụ say đắm” mà tôi trình tấu với niềm vui lại chứa đựng khả năng phi thường như vậy”.
Đến Thủ đô
Năm 1899, chàng thiếu niên Agustín đến Thủ đô Asunción cùng với các anh trai của mình và theo Sosa Escalada học guitar. Năm 1901, anh nhập học trường Trung học Quốc gia khi 15 tuổi, trễ hơn bạn bè cùng trang lứa 2 tuổi.
Barrios là một nghệ sĩ tài năng, anh nhiều lần vẽ tranh biếm học của lớp học và giáo viên khi cả lớp đang học. Anh cũng là một người ham đọc sách, những tựa sách yêu thích là “Don Quijote”, “Martín Fierro” and “Nghìn lẻ một đêm”.
Đến năm 1903, Barrios ngày càng gắn bó với cây đàn guitar và rời trường trung học. Không còn nghi ngờ gì trong suốt giai đoạn này anh đã dành nhiều thời gian trau dồi kiến thức nền tảng của guitar cổ điển và ngày một hoàn thiện kỹ năng chơi đàn của mình. Vào tháng 12 năm 1903, Barrios đã ra mắt buổi biểu diễn chính thức của riêng mình như một nghệ sĩ guitar thực thụ. Buổi hòa nhạc này đã có một sự thay đổi vào phút cuối của chương trình, một ca sĩ tên María Barbero được tuyển chọn buổi diễn, nhưng vì đổ bệnh nên cô ấy không trợ giúp được. Điều này giúp Barrios có cơ hội biểu diễn song tấu với Juan de la Cruz Samaniego tác phẩm “Fantasía en Imitación al Piano” được viết bởi Viñas. Mặc dù chỉ là tiết mục “chữa cháy” vào phút cuối, nhưng đây là một bước ngoặt quan trọng giúp Barrios tiến bước trở thành nghệ sĩ guitar.
Tuy nhiên, Barrios nhận ra mình không thể kiếm sống từ cây đàn guitar, anh bắt đầu làm nhiều nghề khác nhau: người ghi chép tại ngân hàng, hải quân Paraguay, phóng viên báo chí. Nhưng anh không thành công với bất cứ nghề nghiệp nào cả, niềm đam mê thực thụ của anh chỉ có guitar.
Barrios và Thầy Pellegrini
Trong khoảng thời gian ở Asunción, Barrios gặp một người quan trọng trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, đó là Nicolino Pellegrini sinh ra tại Viggiano, Potenza, Italy. Ông học đàn violin Geneva, Thụy Sĩ và Paris. Năm 1888, ông ấy đến Porto Alegre, Brazil, năm 1893 đến Asunción và định cư ở đó. Ông dạy violin, lên dây đàn piano và tổ chức hòa nhạc. Sau đó ông thành lập dàn nhạc học sinh, và trở thành nhạc trưởng cho hầu hết các buổi biểu diễn của dàn nhạc.
Năm 1895, ông thành lập Học viện Paraguay, Pellegrini trở thành giám đốc của chương trình âm nhạc này. Barrios đã từ bỏ việc học ở trường Trung học để nghiên cứu âm nhạc nghiêm túc dưới sự hướng dẫn của Pellegrini, ngoài ra Barrios cũng tìm hiểu thêm một ít về violin và cello.
Nhờ mối quan hệ với Pellegrini, uy tín cá nhân của Barrios dần định hình trong giới âm nhạc Asunción. Barrios dần xuất hiện nhiều hơn trong các buổi hòa nhạc, điều đó đánh dấu sự nổi tiếng của anh ta.
Barrios (ảnh chụp năm 1905)
Tác phẩm đầu tay của Barrios
Ở thời điểm này, người ta biết đến bản gốc tác phẩm “Abrí la Puerta mi China” của ông, bản thảo ngày 25/12/1905. Tác phẩm này tiết lộ rằng Barrios hiểu biết toàn bộ phạm vi của các nhạc cụ, có kiến thức chính xác về hòa âm và chuyển điệu. Ngoài ra, có thể nhận thấy Barrios đã chơi một số giai điệu phổ biến của Paraguay, âm nhạc của Sor, Aguado và García Tolsa trong tác phảm của mình. Barrios chưa biết nhạc Tárrega vì nó chưa truyền đạt đến Nam Mỹ. Sau đó chính Barrios đã chơi phiên bản đầu tiên của tác phẩm “Sonatina A mi Madre” do mình sáng tác.
Barrios liên tiếp được Pellegrini chọn tham gia các buổi hòa nhạc, nhưng vì những buổi hòa nhạc này được tổ chức không thường xuyên nên anh dành thời gian chơi serenades (dạ khúc) “mỗi đêm” suốt khoảng thời gian từ năm 1905 – 1909. Anh đã tạo lập danh tiếng như là một “giáo sư guitar”. Đến lúc này, anh cảm thấy phải đi nước ngoài để phát triển sự nghiệp với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn hòa nhạc, vì anh đã chinh phục được những sân khấu âm nhạc nhỏ của Asunción.
Trước tiên, anh thử đến các thị trấn nhỏ ở nông thôn Paraguay, nhưng có lẽ những nơi này thiếu thị trường âm nhạc nên anh trở về Asunción. Nhận thấy rằng nghề biểu diễn guitar không thể kiếm sống ở Paraguay, Barrios bắt đầu sự nghiệp giảng dạy.
Chuẩn bị cho bước phát triển nhảy vọt
Đến thời điểm này, Barrios gặp một người quan trọng khác trong sự nghiệp: Viriato Díaz Pérez, một người Tây Ban Nha di cư đến Paraguay. Ông đã gây ảnh hưởng đến Barrios về lĩnh vực triết học, siêu hình học, các học thuyết và niềm tin thần học.
Ông đã thúc giục và giúp đỡ Barrios rời khỏi Paraguay để đi tìm chân trời mới. Vào tháng 01/1910 ông đã viết một lá thư giới thiệu gửi đến người bạn Argentina là Mario Villar Sáenz Valiente, nhà xuất bản tờ báo La Nación ở Buenos Aires. Trong lúc này, Barrios đang biểu diễn cho các buổi hòa nhạc ở Argentina tại các thị trấn Corrientes, Posadas và Resistencias.
Valiente nghe tin Barrios chơi đàn ở thị trấn Corrientes và mời anh đến Thủ đô Buenos Aires.
Barrios đã sẵn sàng khởi hành đến thành phố lớn Buenos Aires, một trung tâm văn hóa chính của vùng Nam Mỹ thời bấy giờ, một nơi hoàn hảo đến Barrios theo đuổi sự nghiệp. Mong muốn rời khỏi Paraguay của Barrios được thúc đẩy bởi thầy Nicolino Pellegrini, người đã thực hiện chuyến đi dài một tháng để sắp xếp cho việc xuất bản các tác phẩm của Barrios.
CHƯƠNG 2
Cuộc sống ở miền đất hứa
Buenos Aires là trung tâm của thương mại, chính trị và nghệ thuật. Thành phố này có nhiều người nhập cư, nhất là những người đến từ Ý, vì vậy thành phố này như cả thế giới thu nhỏ. Barrios đã có cơ hội xem những nghệ sĩ châu Âu biểu diễn ở nhà hát Teatro Colón (còn gọi là Columbus Theatre) được thành lập năm 1908.
Năm 1910 là thời điểm Barrios đến Buenos Aires, là kỷ niệm 100 năm ngày giành độc lập của Argentina, vì vậy thành phố có bầu không khí lễ hội hơn hẳn. Barrios bị gây ấn tượng bởi Miguel Llobet (nghệ sĩ guitar người Tây Ban Nha, học trò của Francisco Tárrega), người mà có lẽ Barrios đã nhìn thấy có mặt trong nhiều buổi hòa nhạc của năm. Về sau, Barrios tuyên bố Llobet là tay guitar vĩ đại nhất mà ông từng biết.
Giai đoạn đầu ở Buenos Aires không đơn giản đối với Barrios, ông không thể theo đuổi ngay sự nghiệp biểu diễn hòa nhạc. Ông ấy kiếm sống bằng nghề chơi nhạc trong rạp chiếu phim, đàn nhạc nền cho những bộ phim không lời thoại. Ông cũng chơi nhạc ngẫu hứng phục vụ cho các nhà hát.
Dây đàn kim loại, âm nhạc thịnh hành và người Paraguay
Đầu năm 1911, Barrios du ngoạn đến Chile, thậm chí đến tận Peru. Được biết, ông đã tổ chức một buổi hòa nhạc tại Santiago (Thủ đô Chile). Ông bị chỉ trích gay gắt vì đã trình diễn một chương trình bị đánh giá thấp, bao gồm chủ yếu các giai điệu phổ biến và ông đã sử dụng dây kim loại.
Đến giai đoạn này, nghệ sĩ Barrios đã không có mặt tại buổi hòa nhạc tiêu chuẩn của các nghệ sĩ guitar cổ điển, nhưng ông chỉ biểu diễn những điệu nhạc phổ biến, điều này có thể có nhiều lý do. Trước hết, ông đã sử dụng dây đàn kim loại, điều này đã bị chỉ trích gay gắt ở Buenos Aires bởi giới tinh hoa của âm nhạc cổ điển. Một lý do khác là có lẽ ông cảm thấy xấu hổ khi trình diễn tác phẩm dành cho đàn guitar cổ điển của Sor và Aguado.
Một trong những nét đặc trưng của người Paraguay (“Tôi biết mọi người như thế nào, tôi là duy nhất và tôi ở đây”), tính cách độc tôn làm nên nỗi sợ lớn nhất của họ là bị làm nhục công khai, sợ bị từ chối. Điều này đã xảy ra với Barrios, ông bị xem là người ngoại đạo của cộng đồng chơi guitar cổ điển, bởi vì ông không sử dụng dây đàn làm từ ruột. Nhưng cho dù bất cứ lý do gì, Barrios quyết không thay đổi sở trường chơi dây đàn kim loại.
Miguel Herrera Klinger là một người Uruguay, bạn của Barrios đã từng công bố rằng trong một dịp tình cờ ông ấy ở Buenos Aires ghé một cửa hàng kinh doanh sheet nhạc và đàn guitar tên Agromayor and Co, đó là địa điểm giới chơi guitar hay gặp gỡ hằng ngày. Ông kể rằng đã nghe lỏm được cuộc trò chuyện giữa Andrés Segovia, Regino Sáinz de la Maza và Domingo Prat liên quan đến Barrios. Sáinz de la Maza là người duy nhất không từ chối dây kim loại, miễn là Barrios có thể biểu diễn tốt. Còn Segovia đã nói gì: “Chà, tôi lo lắng, tôi sẽ không biết làm gì với hàng rào dây thép đó”.
Barrios hướng về cộng đồng âm nhạc phổ thông, sẽ không ai chấp nhất nếu ông chơi đàn bằng dây kim loại để đánh các điệu tango, matches, v.v.
Người bạn tuyệt vời của Barrios: Martín Borda y Pagola
Vào năm 1912, Barrios đã đến Montevio, Uruguay. Martín Borda y Pagola là một chủ trang trại chăn nuôi thành đạt, cũng là một tay chơi guitar nghiệp dư. Ông ấy sở hữu một bộ sưu tập nhạc cụ đa dạng có giá trị lớn, vì vậy mà ngôi nhà của ông trở thành trung tâm của những nghệ sĩ guitar tài năng. Có khả năng là những người bạn của Barrios ở Buenos Aires đã cho ông địa chỉ của Martín Borda y Pagola, và ông thực hiện chuyến đi đến Montevio để tìm mối quan hệ “bảo trợ”.
Borda y Pagola là một người bảo trợ tuyệt vời của Barrios, nhiều lần giúp đỡ về cả tài chính lẫn tinh thần trong 15 năm tiếp theo. Có một câu chuyện kể rằng khi Borda y Pagola trở thành người bảo trợ của Barrios, ông không ngừng thúc giục Barrios sáng tác nhiều tác phẩm hơn (thỉnh thoảng, Barrios có vẻ không hứng thú với việc sáng tác tác phẩm). Có một số lần ông nổi giận với Barrios và nhốt Barrios trong một căn phòng, tuyên bố rằng sẽ không phóng thích Barrios nếu không chịu sáng tác nhiều tác phẩm hơn.
Barrios (ảnh chụp năm 1912)
Bản thu âm đầu tiên
Năm 1914, Barrios trở về Buenos Aires để ghi âm cho các hãng nhạc Atlanta và Artigas của Argentina, ông cho ra đời 17 bản ghi âm 78 vòng/phút, đó là những tiết mục trình diễn của ông vào thời điểm này.
Những bản thu là tác phẩm nguyên bản hay những giai điệu phổ biến, marches và tangos. Barrios đã phát triển những tiết mục dân gian này khi còn làm việc ở rạp chiếu phim, nơi ông làm việc để lấp đầy khoảng thời gian trống khi mới đặt chân đến Buenos Aires.
Đây là lần đầu tiên có một nghệ sĩ guitar cổ điển thực hiện bản thu âm.
Mở rộng và phát triển ở Uruguay
Trong suốt những năm 1912 đến 1916, Barrios dành nhiều thời gian ở trang trại của Borda y Pagola, nơi ông đã kết bạn với nhiều người. Một số bạn bè nồng nhiệt chào đón Barrios đến nhà chơi, điều này khiến ông đặc biệt hân hoan. Có chuyện kể rằng Barrios đã sống một năm cùng với nghệ sĩ guitar Luis Pasquet ở Salto. Những chuyến “thăm” bạn bè đã được tiến hành lặp đi lặp lại xuyên suốt trong cuộc đời Barrios, và ông đã đáp lại lòng hiếu khách của bạn bằng nghệ thuật của mình. Suốt những năm đó, ông đã biểu diễn ở nhiều thị trấn của Uruguay.
Khoảng từ năm 1914 đến 1916, Barrios đã rời Uruguay thực hiện chuyến đi đến Brazil. Có một chương trình được ghi âm lại từ một buổi biểu diễn ở Rio de Janeiro (một thành phố lớn của Brazil) vào năm 1916, các tiết mục của chương trình có tính trang trọng và mang “chất cổ điển” nhiều hơn, nó bao gồm các bản chuyển soạn từ âm nhạc của Bach, Verdi, Chopin, Grieg và Mendelssohn, cùng các tác phẩm viết cho guitar của Aguado, Giuliani, Coste và Arcas. Barrios tất nhiên đã xuất hiện trong chương trình ấy, và đóng góp thêm một số tiết mục là các tác phẩm của ông tự sáng tác.
Cuộc chinh phục Brazil
Từ năm 1916 đến 1920, Barrios đến Brazil. Ông nương náo ở thủ đô Sao Paulo, có lẽ sống với người bảo trợ. Ông không ngừng học hỏi mở rộng kiến thức về âm nhạc và đàn guitar. Ông đã kết hợp vào chương trình biểu diễn của mình nhiều tác phẩm chuẩn chất guitar cổ điển hơn, chẳng hạn tác phẩm Capricho Árabe của Tárrega. Ông cũng tiếp tục chuyển soạn các tác phẩm của Bach, Beethoven, Bufaleti, Chopin, Mendelssohn và Schumann.
Ông cũng có bước tiến lớn trong kỹ năng sáng tác của mình. Một số kiệt tác của ông được sáng tác trong thời kỳ này, như Un sueño en la Floresta (Giấc mộng vườn hoa), Mazurka Apasionata, Allegro Sinfónico và Romanza en Imitación al Violoncello.
Các buổi hòa nhạc của Barrios ở Sao Paulo và ở miền nam Brazil luôn thành công tốt đẹp. Ông đạt danh tiếng nghệ sĩ guitar xuất sắc. Danh tiếng giúp Barrios gặp được nghệ nhân làm đàn người Brazil là Romeo Di Giorgio, ông đã chế tác một cây đàn với 20 ngăn phím đặc biệt dành cho Barrios. Nhờ cây đàn này, Barrios đã có thể bấm nốt C cao (Đô cao) để biểu diễn tác phẩm tuyệt vời của mình “Un sueño en la Floresta”. Ông cũng gặp Arturo Napoleao, nhạc sĩ – nghệ sĩ piano người Brazil, và Barrios đã chuyển soạn tác phẩm “Romanza” của Napoleao cho đàn guitar.
“Cái chết” đầu tiên của Barrios
Năm 1918, do nhầm lẫn với một nhạc sĩ cùng tên, báo chí của Asunción (Paraguay) đã đăng tin Barrios qua đời ở một thị trấn Melo, Uruguay. Đương nhiên, lúc này Barrios vẫn đang sống khỏe mạnh ở Brazil.
Thông tin này đã được báo chí đính chính trong cùng năm đó. Khi Barrios nhận được thông tin nhầm lẫn đó, ông đã trả lời một cách hài hước, rằng: “Tôi có thể giúp đỡ đám tang của chính mình, cái chết là một điều tốt đẹp”.
Hiếm khi có việc nhầm lẫn xảy ra như vậy, nhưng nó lại xảy ra một lần nữa vào năm 1934, Barrios lại bị thông báo qua đời ở Mexico rồi sau đó ở Venezuela.
Barrios và Gino Marinuzzi
Gino Marinuzzi là nhạc trưởng nổi tiếng thế giới làm việc cho Nhà hát La Scala ở Milan (Ý). Ông đã đến Rio de Janeiro vào năm 1919 để chỉ huy nhiều buổi biểu diễn ở nhà hát nhạc kịch thành phố này. Ông nghe tiếng tăm của Barrios và mời Barrios đến biểu diễn ở một buổi họp mặt riêng tư đặc biệt gồm khoảng 20 người bạn (nhiều người trong số họ am hiểu âm nhạc, là những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp). Kết quả cuộc biểu diễn rất khả quan, Barrios được hoan nghênh và nồng nhiệt tán dương bởi “Bậc thầy”, ông tặng cho Barrios tấm ảnh của mình với dòng chữ như sau: “Gửi Barrios vĩ đại, người làm sống dậy nghệ thuật của Galilei (nhà khoa học Ý) và Simone Molinaro (nhạc sĩ – nghệ sĩ đàn lute người Ý thời kỳ hậu Phục hưng), với tấm lòng ngưỡng mộ, Gino Marinuzzi. Rio, ngày 30/9/1919”.
Đó là thành tựu to lớn của Barrios, vào thời ấy, để nhận được lời khen ngợi của một nghệ sĩ hàng đầu thì ngoài khả năng biểu diễn nhạc cụ xuất chúng còn phải có tài năng về sáng tác âm nhạc. Nếu anh ta có thể duy trì liên lạc với Marinuzzi, Barrios chắc chắn sẽ có thể sắp xếp một chuyến đi đến Châu Âu sớm hơn, và cuộc sống của ông sẽ trở nên khác biệt hơn nhiều so với thực tế.
Vào tháng 11 của năm thành công này, Barrios nhận được lời mời đặc biệt của Tổng thống Brasil, ngài Epitasio Pessoa, biểu diễn tại Dinh Tổng Thống một buổi hòa nhạc phục vụ các nhà ngoại giao và các bộ trưởng.
Thời kỳ thành công này là một bước trỗi dậy phi thường của Barrios trong nghệ thuật sáng tác. Từ sau 1919, tất cả các tác phẩm của Barrios đều trở thành kiệt tác dành cho đàn guitar.
CHƯƠNG 3
Barrios và Segovia
Vào tháng 6/1920, Barrios trở về Montevideo từ Brazil, lúc này Segovia cũng ở Montevideo biểu diễn hòa nhạc. Hai danh cầm không gặp nhau suốt năm tuần lễ khi họ cùng ở Uruguay, phải đến năm sau đó cuộc gặp gỡ diễn ra tại Buenos Aires.
Thật thú vị khi so sánh các tiết mục trình diễn của hai danh cầm này. Cả hai người cùng chuyển soạn các tác phẩm kinh điển (Bach, Beethoven, Chopin). Segovia chơi rất nhiều tác phẩm của Sor và Tárrega, ông ấy cũng chơi nhạc của Granados và Albéniz. Điều này đại điện cho các tiết mục biểu diễn guitar “hiện đại” thời bấy giờ (lúc này Segovia chưa gặp Ponce, Tórroba, Villa-Lobos). Còn Barrios, ngoài những tác phẩm kinh điển Tây Ban Nha giữa thế kỷ 19 của Arcas, Parga, Broca thì ông cũng chơi nhạc Tárrega và âm nhạc Châu Mỹ Latin (của Albano, García Tolsa). Sự khác nhau lớn nhất giữa họ là ở lĩnh vực sáng tác tác phẩm. Segovia chỉ viết những bản chuyển soạn cho đàn guitar từ các tác phẩm của các nhạc sĩ khác. Barrios chơi nhiều tác phẩm của riêng mình trong buổi hòa nhạc, ông nói, có không nhiều tác phẩm của nhạc sĩ khác “truyền cảm hứng” cho ông ấy.
Năm 1921, họ gặp nhau ở Buenos Aires do được một người bạn giới thiệu sau buổi hòa nhạc. Sau đó không lâu, Barrios đến thăm Segovia tại nhà riêng. Barrios chơi cho Bậc thầy nghe và ông ấy rất hài lòng. Theo Klinger, tác giả viết tiểu sử Barrios kể rằng: “Barrios đã chơi một loạt những “viên ngọc quý” âm nhạc cho Segovia vĩ đại nghe, điều này khiến ông ấy phải ngạc nhiên có người chơi tốt hơn mình nữa: ông ấy chết lặng. Gần hai giờ đồng hồ sau, Barrios nhận được lời tán dương của Bậc thầy. Có một tác phẩm mà Segovia rất thích và cho biết ông ấy sẽ chơi trong buổi hòa nhạc của mình. Barrios đã đưa Segovia bản sao của tác phẩm với lời đề tặng. Tác phẩm khiến Segovia nói ông ấy muốn đưa vào chương trình biểu diễn, nhưng ông ấy chưa bao giờ chơi nó. Và theo logic rằng: nếu Segovia chơi nó với khả năng phi thường mà ông ấy sở hữu, ông sẽ nâng Barrios lên tầm cao không ai có thể vươn tới, do đó làm mất uy tín nghệ thuật của chính mình”.
Agustín (bên phải) và anh trai Martín ở Montevideo
Tác phẩm mà Segovia yêu thích là La Catedral (Nhà thờ lớn). Năm 1921, Segovia không ở vị trí toàn năng mà ông ấy có được vào những thập kỷ tiếp theo, vì vậy ông không chấp nhận bất kỳ sự cạnh tranh nào. Nếu ông ấy chân thành thì đã thêm vào chương trình biểu diễn La Catedral và những tác phẩm khác, và giúp Barrios sắp xếp những buổi hòa nhạc ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Nhiều năm sau, Barrios nhận ra Segovia không phải là bạn của mình, nói rằng Segovia bị “điếc trong tim”. Barrios thừa nhận Segovia là một nghệ sĩ xuất sắc, nhưng ông ấy luôn thấy bản thân mình bằng bất kỳ góc nhìn nào cũng “thấy hơn một nghệ sĩ”. Barrios đã tự hào về mình là một nhà soạn nhạc, điều này liên quan đến những kỹ năng và tài năng khác vượt trội hơn những người chỉ điêu luyện về thể chất.
La Catedral: một kiệt tác
Vào ngày 14/4/1921, Barrios trả lời phỏng vấn của báo chí Uruguay rằng: “Tình trạng sức khỏe không ổn định của tôi chỉ cho phép tôi viết thêm 5 tác phẩm mới cho các buổi biểu diễn. Tôi đánh giá tác phẩm quan trọng nhất, sau “Vals de Primavera” (Bản Valse của Mùa Xuân), là một lát cắt của âm nhạc lãng mạn, đó là La Catedral, tác phẩm gồm 2 chương: andante religioso và allegro solemne.”
La Catedral là tác phẩm phải tham khảo đầu tiên trong danh sách tác phẩm được trình diễn nhiều nhất của Barrios. Ông đã được truyền cảm hứng sau một chuyến tham quan Nhà thờ Chánh tòa San José ở Montevideo. Chương andante với dải hợp âm rộng thể hiện ấn tượng của nhạc sĩ về một nghệ sĩ organ chơi nhạc Bach ở giáo đường. Chương Allegro thể hiện cảm giác nhạc sĩ rời khỏi không gian tĩnh lặng của thánh đường. Ông bước ra đường phố, đó là cuộc sống thực, mọi người đang vội vã và không có thời gian để suy nghĩ. Ông thể hiện điều này hoàn hảo khi sử dụng những chuỗi nốt móc kép nối tiếp nhau.
Chương thứ ba của La Catedral, Preludio Saudade, được Barrios viết bổ sung sau đó.
Trở về Paraguay
Suốt năm 1922, Barrios một lần nữa thực hiện chuyến đi đến Chile và Brazil. Sau đó, Barrios trở về Paraguay vào ngày 22/8 cùng năm. Ông có mong muốn trở về quê hương sinh sống ổn định, nhưng sớm nhận ra rằng điều đó không thể thực hiện được,
Chuyến trở về quê hương của Barrios đầy khải hoàn, ông không kiếm được nhiều tiền nhưng với tư cách là một trong những nghệ sĩ guitar vĩ đại nhất thế giới.
Ông đã biểu diễn 11 buổi hòa nhạc tại Asunción trong 8 tháng tiếp theo. Đó cũng là khoảng thời gian Barrios nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ những người quan trọng nhất cuộc đời mình: Gustavo Sosa Escalada, Nicolino Pellegrini và Viriato Diaz Perez. Họ rất đỗi tự hào về những thành tựu Barrios đạt được.
Barrios đã tổ chức một buổi biểu diễn ngoài trời cùng với những người anh em ruột ở Quảng trường Uruguay để ra mắt công chúng những tác phẩm nghệ thuật của họ. Sự kiện này diễn ra thành công rực rỡ, rất đông người kéo đến tụ tập ở Quảng trường để xem đại gia đình Barrios biểu diễn. Nhưng đã xảy ra vấn đề về âm lượng, Barrios đã ngừng biểu diễn vì tiếng ồn của đám đông và âm thanh bị loãng.
Ngày 26/4/1923, Barrios đến Rosario, Argentina. Ông lưu lại đó khoảng 5 tháng, tại nhà một người bạn tên Baptiste Almirón là một giáo viên dạy guitar cổ điển. Almirón có cô con gái tên Lalyta (nữ nghệ sĩ guitar Lalyta Almirón), một thần đồng nhạc cụ, sau này cô ấy trở thành nữ nghệ sĩ guitar lừng danh trong các buổi hòa nhạc thính phòng ở Argentina.
Barrios đã dạy Lalyta đàn một số tác phẩm của mình, ông bị một chút choáng váng với tài năng của cô bé. Ông đã có lời khen ngợi Lalyta: “Những gì tôi có thể nhận xét về đứa trẻ này là quá ít so với tài năng to lớn của cô bé. Tôi không thể hết ngạc nhiên, như thể đó là một khả năng bẩm sinh nhất của thế giới này, với nụ cười dễ mến, cô bé đã chơi Study No.22 của Coste and Canzoneta của Mendelssohn. Đó là những tác phẩm khó, ngay cả đối với nghệ sĩ bậc thầy, cô bé bùng nổ thứ nghệ thuật mê hoặc như một vòi nước hoa sen kết tinh từ những ngón tay nhanh nhẹn. Những chuyện động ngang dọc ví như một chú chim ruồi đang nhảy múa trên dây đàn”.
Nghệ sĩ Lalyta Almirón khi 16 tuổi (ảnh chụp ở Barcelona)
Suốt 5 tháng họ ở bên nhau, Lalyta đã học “Romance en Imitación al Violoncello”, “Vals No.4” và “Contemplación” của Barrios.
Barrios cũng sáng tác thêm nhiều tác phẩm trong thời gian ở Rosario. Rõ ràng đây là một “vụ mùa” sáng tác của ông, có ít nhất 17 tác phẩm đã ra đời trong khoảng thời gian này.
Sau đó ông đến Buenos Aires và Uruguay để biểu diễn một vài buổi hòa nhạc. Vào tháng 8/1924, ông trở về Paraguay. Ông mong muốn mở một trường âm nhạc ở Thủ đô Asunción nên đã viết đơn kiến nghị gửi Chính phủ. Mặc dù ông không hoạt động chính trị, nhưng thiên hướng của ông theo đảng Colorado, đảng phái đối lập với đảng Liberal (đảng Tự do) đang nắm quyền. Điều này khiến cho kiến nghị của Barrios nhanh chóng bị bác bỏ.
Vào năm 1925, ông ở Uruguay cùng với người bạn tên là Luis Pasquet và cũng đến ở với người bảo trợ Borda y Pagola. Ông chơi hòa nhạc ở Montevideo và những thị trấn nội ô. Và ông đã ở lại Uruguay một năm.
Tấm ảnh Barrios gửi tặng Borda y Pagola năm 1925
Tạm biệt chốn lãnh đạm Buenos Aires
Buenos Aires, thành phố tuyệt vời hứa hẹn cho Barrios danh tiếng và tài sản lại là nơi từ chối ông ta. Barrios đến đó năm 1928, vào tháng 6 năm ấy ông có chương trình của 3 buổi hòa nhạc ở Nhà hát Argentina, nhưng chỉ có một buổi hòa nhạc được diễn ra, hai buổi bị hủy bỏ vì thiếu khán giả. Chán ghét với sự thất bại của mình, ông thề sẽ không trở lại Argentina nữa.
Cộng đồng thưởng thức guitar ở Buenos Aires từ chối Barrios vì ông ấy chơi đàn bằng dây kim loại và các tiết mục phong cách thế kỷ 19. Để làm nổi bật điều này, Segovia cũng đã có mặt tại Buenos Aires “lấp đầy” các nhà hát bằng những “tiết mục hiện đại”, bao gồm âm nhạc của những nhạc sĩ mới như Ponce, Tórroba, Turina, Tansman, v.v.
Sự từ chối này đã tạo nên một điểm nhấn trong tư tưởng của Barrios, có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến ông thay đổi danh tính trở thành Nitsuga Mangoré.
Năm 1929, Barrios rời Buenos Aires đến Brazil. Tại đây, ông biểu diễn các buổi hòa nhạc tại Pelotas, Sao Paulo và Rio de Janeiro. Cộng đồng Sao Paulo nồng nhiệt chào đón âm nhạc của Barrios. Ngày 25/10/1929, tại Nhà hát thành phố, một buổi liên hoan văn học – âm nhạc đã được tổ chức để tiễn Barrios chia tay thành phố Sao Paulo.
Cũng trong năm này, Barriso gặp Gloria Seban (có thể ở Pelotas hoặc ở Rio de Janeiro), người bạn đồng hành của Barrios đến ngày cuối đời. Mọi người gọi bà với cái tên “Gloria de Mangore”, Barrios luôn giới thiệu trước công chúng Gloria Seban là vợ của ông, mặc dù thực tế họ không bao giờ kết hôn với nhau. Gloria Seban là một người phụ nữ tháo vác, khéo tay, mặc dù không có học thức nhưng bà là một tài năng về nấu nướng, luôn quan tâm và chăm sóc Barrios từng li từng tí. Xoay quanh mối quan hệ chung sống như vợ chồng này, Barrios từng công khai trên nhật báo Diario Latino ngày 01/7/1933 ở San Salvador, EI Salvador rằng: “Gloria không theo nghề âm nhạc và đó là lý do tại sao chúng tôi rất hợp với nhau. Cô ấy rất thích âm nhạc của tôi và tôi đánh giá cao cô ấy như một người nội trợ đảm đang”. Về âm nhạc thì Gloria “mù tịt”, nhiều người mô tả rằng bà không hề nhận thức được Barrios là một thiên tài âm nhạc. Nhưng rõ ràng rằng bà dành trọn tình yêu cho Barrios và rất mực chung thủy với Barrios suốt 14 năm tiếp theo, bà luôn ở bên ông suốt những chuyến lưu diễn liên tiếp, những lúc tài chính khó khăn cực độ và lúc sức khỏe Barrios suy kiệt. “Cuộc sống độc thân của Barrios đã chấm dứt, còn điều gì khác ở phía chân trời?
Chân dung Gloria Seban, nhìn giống như lần đầu tiên bà gặp Agustín Barrios năm 1929
CHƯƠNG 4
Năm 1930, đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ mới: sự ra đời của Tù trưởng Nitsuga Mangore, “sứ giả của tộc người Guarani…ngài Paganini của cây đàn guitar đến từ rừng rậm Paraguay”. Barrios quyết định rời khỏi Nam Mỹ, từ thành phố Rio de Janeiro tiến dần về phía Bắc Mỹ. Ông bắt đầu kế hoạch chinh phục Châu Mỹ của mình bằng phương thức kỳ lạ để thu hút sự chú ý của khán giả và cũng có lẽ để thỏa mãn tâm lý của chính mình (nhiều năm trước khi còn ở Paraguay, ông hay đùa giỡn khi tự xưng mình là “Tù trưởng Nitsuga”). Nhưng có lẽ ông đã vỡ mộng vì tạo hình Nitsuga Mangoré không thành công như Agustín Pío Barrios. Lần đầu tiên Barrios xuất hiện với tư cách là Tù trưởng Nitsuga Mangoré là ở Bahia, Brazil vào tháng 8/1930. Ông được giới thiệu là “Agustín Barrios Mangoré hóa thân thành Nitsuga” Ông xuất hiện trong buổi hòa nhạc với trang phục của Thổ Dân Da Đỏ, với những mảnh da thú, cung tên. Điều này cho thấy sự biến đổi dần dần đến ba năm sau ông tự giới thiệu mình là Nitsuga Mangoré mà ít đề cập đến Agustín Barrios.
Barrios hóa thân thành Tù trưởng Nitsuga Mangoré (ảnh năm 1931)
Ông đã thêm những tác phẩm mới vào danh sách tiết mục biểu diễn nhằm phản ánh “nguồn gốc Guarani” của mình, như là “Diana Guarani” và “Poema de America” (Bài thơ của nước Mỹ), đổi tên tác phẩm “Souvenir de un reve” (Hoài niệm về một sự hụt hẫng) thành “Un sueño en la floresta” (Một giấc mơ trong rừng). Ngoài những tác phẩm của riêng mình, ông tiếp tục chơi các tác phẩm mẫu mực của Sor, Tárrega và Albéniz, cùng một số tác phẩm cổ điển chuyển soạn khác. .
Ngày 20/02/1930, Barrios đã tổ chức một buổi hòa nhạc ở Fortaleza (thành phố trung tâm của bang Ceará, Brazil), nơi ông chơi những bản nhạc của Bach như chương Fuga của Violin Sonate I, các tác phẩm chuyển soạn từ nhạc Mozart và Beethoven. Theo một nhạc phê bình, ông không được công chúng Fortaleza đón nhận do “chủ nghĩa cổ điển quá mức của các tác phẩm này đòi hỏi khắt khe người có giáo dục âm nhạc chuyên nghiệp mới cảm thụ được”.
Tay guitar bị từ chối ở Argentina và Chile vì chơi nhưng giai điệu quá phổ biến giờ đây đã bị chỉ trích là một người theo “chủ nghĩa cổ điển quá mức”!
Chuyến du hành Châu Mỹ
Barrios tiếp tục tổ chức các buổi hòa nhạc ở các thành phố và thị trấn ở Brazil đến tháng 8/1931. Đến tháng 9/1931, ông đến biểu diễn hòa nhạc tại French Guiana (một tỉnh hải ngoại của Pháp, nằm ở bờ bắc Nam Mỹ), thủ phủ là thành phố Cayenne. Hai tháng sau, ông đến Martinique (hòn đảo nằm ở phía Đông vùng biển Caribbean, thuộc địa của Pháp), vào tháng 12 năm đó ông có buổi hòa nhạc tại thủ phủ Fort-de-France, chương trình biểu diễn gồm những tiết mục của nhạc sĩ người Pháp Jules Massenet để phục vụ cộng đồng nói tiếng Pháp tại Martinique.
Từ Martinique, ông đi Trinidad vào năm 1932. Lúc này, nhạc trưởng người Anh nổi tiếng là ngài Henry Joseph Wood cũng ở Trinidad, sau khi nghe Barrios đàn thì ông phải thốt lên:
“Barrios là một nghệ sĩ độc đáo, âm sắc phong phú của anh ta tạo ra bằng cách rải dây ở ba hoặc bốn điểm khác nhau, một lối chơi đầy màu sắc, nhịp điệu, ngữ điệu hoàn hảo và khả năng diễn tấu tuyệt vời làm cho anh ấy chơi đàn với niềm vui thích và điều đó mang đến niềm vui cho tất cả những người yêu âm nhạc”.
Thành công lớn ở Venezuela
Vào tháng 2/1932, Barrios đến Venezuela, nơi ông có được một trong những giai đoạn thành công nhất trong sự nghiệp của mình, vì công chúng Venezuela là một trong những cộng đồng đánh giá cao nhất âm nhạc của Barrios.
Hơn 2 tháng sau, ông đã chơi 25 buổi hòa nhạc ở Caracas (Thủ đô Venezuela) để đáp lại tình cảm của công chúng. Ông liên tục được báo chí khen ngợi và được mời tham dự nhiều hoạt động xã hội.
Tác động của Barrios đối với cộng đồng guitar Venezuela khá sâu sắc. Antonio Lauro, một nhà soạn nhạc – nghệ sĩ guitar hàng đầu của Venezuela đã gặp Barrios vào khoảng thời gian này, ông tuyên bố rằng: “Mangoré là một người rất cởi mở và trong một số dịp nhất định, ông chia sẻ kiến thức và kinh nghiệp của mình với chúng tôi. Bất cứ câu hỏi nào ông cũng đều giải đáp hết. Với mỗi câu hỏi, ông ấy trả lời dài và chi tiết, như thể đang dạy trong một lớp học chính quy. Ông ấy đã đưa ra những lời giải thích dài liên quan đến tiết nhịp và cho chúng tôi thực hành các bài tập luyến dây (ligados), hợp âm rải (arpeggios), về âm thanh nói chung và tính thẩm mỹ khi biểu diễn”.
Barrios nổi tiếng ở Caracas đến nỗi ông còn được xuất hiện trên các quảng cáo, hình ảnh của ông thậm chí được sử dụng quảng cáo cho một nhà máy sản xuất bia địa phương, trên một poster có ảnh Barrios đang chơi đàn có dòng chữ chú thích: “Không còn nghi ngờ gì nữa, trong thế giới nghệ thuật, Barrios – nghệ sĩ guitar Da Đỏ đã để lại trong tâm hồn chúng ta một hương vị âm nhạc bất diệt mà không có tiền lệ nào trước đây. Trong thế giới công nghiệp Venezuela, đó là một điều chân thực, không gì thể so sánh được: Bia Caracas”.
Hình ảnh Barrios trên poster quảng cáo của hãng Bia Caracas (Venezuela)
Colombia, vùng Trung Mỹ và El Salvador
Vào tháng 5/1932, Barrios đột nhiên đổ bệnh nặng, không có một bản thu âm hoặc buổi hòa nhạc nào được thực hiện cho đến ngày 3 và 4 tháng 9 cùng năm ông có buổi hòa nhạc ở Barquisimeto (một thành phố của Venezuela). Vào tháng 10 ông đã có mặt tại Thủ đô Bogotá, Colombia. Nhạc sĩ người Colombia là Guillermo Uribe-Holguín tham dự một buổi hòa nhạc của Barrios và nhận xét: “Mangoré là linh hồn tái sinh của các thiên tài âm nhạc và sẽ không bao giờ bắt gặp người nghệ sĩ tầm cỡ như vậy một lần nữa”.
Barrios thành công vang dội ở Colombia, nơi ông nhận được những lời nhận xét chân thành: “Người đánh thức tinh thần nhiệt huyết chưa từng có với công chúng yêu văn hóa, âm nhạc, những người biết những thiên tài âm nhạc cổ điển và hiện đại”. Suốt 5 tuần ở Bogotá, ông tổ chức tổng số 17 buổi hòa nhạc.
Đến tháng 3/1933, ông đến Panama để biểu diễn phục vụ Tổng thống Abdiel Arias. Ông tổ chức một số buổi hòa nhạc ở Panama nhưng không có thu âm lại. Một tháng sau đó ông đến Costa Rica, ông đã ở đó và biểu diễn rất nhiều chương trình hòa nhạc, đến tháng 7 ông đi El Salvador. Ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt ở những vùng đất đã đi qua, ông tự giới thiệu mình là “người Da Đỏ Guarani” và được “các bộ tộc anh em” chấp nhận. Barrios chắc chắn muốn đến Hoa Kỳ, và khi ông ngày càng tiến dần ra phương Bắc. Ý định này ngày càng lớn hơn trong tâm trí ông như một mục tiêu thực tế.
Tháng 9 năm đó, ông đến Guatemala, ở đây có một nhà báo của tờ Nuestro Diario đã mô tả chi tiết về buổi hòa nhạc của Barrios:
Ở phía trước một rặng tre và hai ngôi nhà làm bằng cây cọ, Mangoré xuất hiện với trang phục đầy lông vũ, một người tiền sử, một thứ gì đó giống trẻ con, trang phục ông ấy phù hợp để cầm một thanh tre hơn, nhưng không, ông cầm cây đàn guitar.
Khán giả tiếp nhận ông với thái độ lạnh lùng và im lặng, có một vài phê bình mỉa mai: “khủng khiếp thật”, “tuyệt chưa kìa”, “sốc quá”, “ông ấy sống trên núi marihuana”, v.v.
“Người da đỏ” ngồi xuống, vuốt ve nhạc cụ của mình một cách mượt mà lạ thường và chương trình bắt đầu. Chương trình dường như không phù hợp với cảnh tượng – “người da đỏ” cảm thấy ông ấy là một nghệ sĩ, và ông ấy muốn chơi Bach, Beethoven, Mozart, Chopin trên cây đàn guitar! Thật là tội lỗi khi chúng tôi nghĩ rằng một thảm họa âm nhạc sắp diễn ra.
Ông đàn bản Serenata Morisca của chính mình. Hoàn toàn chính xác! Ông ấy chơi tiếp một bản khác của mình, gồm 2 chương andante và allegreto. Đáng chú ý. Một điệu nhảy Chile. Sự nhiệt tình được gắn kết từng chút từng chút, làm khán giả dần ấm lên. Cây đàn gutiar trở thành cây đàn piano, rồi một cây violin, một cây sáo flute, rồi đàn mandolin, và cả trống nữa. Không có gì mà người đàn ông này không thể làm được trên cây đàn guitar. Có lúc cây đàn guitar dường như tự hát lên…
Tiếng vỗ tay vang lên, và tăng dần theo từng bản nhạc, cho đến khi kết thúc màn trình diễn, khán giả reo hò “encore” (“tiếp tục đi”), ông nói “cảm ơn”, chỉ đơn giản là “cảm ơn”.
Ông đến Mexico vào cuối năm 1933. Ông tiếp tục được chào đón và nhận những lời ken ngợi tích cực từ các nhà phê bình. Mặc dù lúc này Segovia cũng đang biểu diễn hòa nhạc tại Mexico.
Barrios mặc “trang phục guarani” ảnh chụp ở Mexico năm 1934
Sau cùng đến Châu Âu
Năm 1934, Barrios gặp Tomás Salomoni, Đại sứ Paraguay ở Mexico. Ông đã thuyết phục Barrios chấm dứt cá tính của mình như một Nitsuga Mangoré, bời vì nó “không được trang nghiêm và phù hợp”. Vì lý do đó, Tù trưởng Nitsuga Mangoré đã “nghỉ hưu”. Mặc dù sau đó ông đã lần cuối giới thiệu mình là “Barrios Mangoré”. Salomoni rất quan tâm đến việc phát triển sự nghiệp cho Barrios, ông biết Barrios phải đến Châu Âu. Khi Salomoni sang thăm con trai và con gái lớn (đang cư trú tại Brussels, Bỉ) là thời điểm thích hợp cho Barrios đến Châu Âu.
Đại sứ Tomás Salomoni, người bảo trợ – người bạn tuyệt vời của Barrios
Salomoni trở thành người bảo trợ mới của Barrios và đồng thời là “người quản lý”, vào tháng 7/1934, gia đình Salomonis và gia đình Barrios đến Havana, Thủ đô nước Cuba và ở đó hai tháng. Barrios có nhiều buổi trình diễn thành công ở Havana. Vào tháng 9 năm đó, họ đã đi thuyền đến Châu Âu trên tàu hơi nước Orinoco.
Gia đình Barrios và gia đình Solomonis trong chuyến đi Châu Âu (ảnh chụp năm 1935)
Họ đến Brussels (Bỉ) vào tháng 9/1934, nơi ở của con trai và con gái lớn của Tomás Salomonis. Họ ở lại đó vài tuần. Một số bằng chứng cho thấy Barrios đã kết bạn với Igor Stravinsky trong thời gian này.
Barrios chơi một buổi hòa nhạc tại Nhạc viện Hoàng gia Bỉ. Ông khá lo lắng về điều này cũng như Segovia ở Bỉ vào 3 tháng trước. Trước khi vào học với các giáo sư của Nhạc viện, ông biểu diễn phẩn đầu chương trình bằng các tác phẩm của Bach, Beethoven, Chopin, v.v. nhưng không gây ấn tượng với họ (theo Boettner, họ “ngáp”). Nhưng trong phần thứ hai của chương trình, ông trình bày các tác phẩm tự sáng tác như Diana Guaraní, Un Sueflo en la Floresta, Fiesta de la Luna Nueva và cứ như thế. Kết thúc buổi hòa nhạc, các nhà phê bình đã hô to “Bravo!” (Rất tuyệt vời!). Đây là một trong những lần chiến thắng danh hiệu nghệ sĩ vĩ đại nhất của Barrios.
Sau đó, Barrios cùng gia đình Salomonis đến Berlin (Thủ đô nước Đức), họ đã ở đó khoảng 15 tháng. Zuni Salomoni, con trai út của Salomoni, khi ấy 12 tuổi đã kể lại: “Có một cây đàn organ và vào mỗi buổi sáng Mangoré sẽ đánh thức lũ trẻ chúng tôi dậy bằng âm nhạc ngẫu hứng của ông trên cây organ ấy. Thỉnh thoảng, để giúp chúng tôi giải trí, ông ấy đã dùng cây đàn guitar của mình đặt phía sau đầu và chơi đàn theo cách ấy”.
Người con trai lớn nhất của Tomás Salomoni kể rằng: Barrios “rất tôn trọng bố tôi, nhưng ông ấy không cho phép bất cứ sự gián đoạn nào trong quá trình luyện tập, điều đó có thể kéo dài từ 10 đến 12 giờ im lặng trong phòng, từ chối thức ăn, cho đến khi việc luyện tập của ông kết thúc”.
Khoảng thời gian sống ở Berlin, Barrios không chơi bất cứ buổi hòa nhạc nào. Vì lý do gì đó, họ không kết nối với những nhà tổ chức chương trình chuyên nghiệp. Có lẽ đó là sự phân biệt đối xử của người Đức đối với các dân tộc khác.
Năm 1936, Barrios tách khỏi gia đình Salomonis và đi thuyền đến Tây Ban Nha ngang qua Bồ Đào Nha. Barrios chơi một chương trình hòa nhạc ở Madrid (Thủ đô Tây Ban Nha), ở đó ông gặp danh cầm Regino Sáinz de la Maza và tiếp xúc với thơ Federico García Lorca. Ông cũng chơi đàn phục vụ cho Nữ hoàng Victoria Eugenia, chồng của bà, nhà vua Alfonso XIII tặng ông cây đàn guitar được chế tác bởi nhà làm đàn Morant của Tây Ban Nha. Cây đàn này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Guzman in San Salvador. Theo nghệ nhân làm đàn guitar Federico Sheppard, người đã tạo ra một bản sao của cây đàn trên, cho biết cây đàn gốc là sản phẩm của nhà làm đàn Ricardo Sanchis chứ không phải Morant.
Vào năm cuộc nội chiến Tây Ban Nha diễn ra và mọi thứ đều bất ổn, Barrios cảm thấy thiếu cơ hội nghề nghiệp và lo lắng về sự an toàn của gia đình, ông cùng Gloria trở về Châu Mỹ. Lịch sử ngăn cản Barrios có được cơ hội thành công ở Châu Âu.
CHƯƠNG 5
Trở về Châu Mỹ
Barrios về đến Caracas, Venezuela vào tháng 2/1936, sau đó đến Trinidad vào tháng 3 và ở lại đó khoảng 4 tháng. Tại Trinidad, ông không chơi nhiều buổi hòa nhạc, nhưng có nhận dạy đàn cho một học sinh tên Robert Edgeworth Johnstone, người học sinh này vào năm 1985 đã hồi tưởng về Barrios như sau:
“Barrios là một người đàn ông nhỏ bé, mảnh khảnh, nhút nhát và rất khiêm tốn. Chúng tôi trau đổi bằng tiếng Pháp, vì ông chỉ nói được một tiếng Anh, còn tôi không biết tiếng Tây Ban Nha. Tôi hỏi ông ấy có đồng ý dạy tôi chơi đàn hay không. Ông ấy sẵn sàng dạy tôi. Ông ấy ở đỉnh cao nghệ thuật, và không phải quảng bá mình với các học sinh. Tôi là học trò duy nhất, vì ông ấy chưa bắt đầu sự nghiệp giảng dạy. Ông ấy đã giảng về kỹ thuật và chơi thử một chút cho tôi xem. Một trong những bản tôi biết chơi là Serenata Española của Malats, một tác phẩm được chuyển soạn cho đàn guitar, tôi đã chơi bản này và Barrios nói tôi chơi sai hết rồi. Sau đó chúng tôi nói chuyện một chút. Sau đó, tôi yêu cầu ông ấy đàn cho tôi xem. Ông đàn một lần bản valse có tốc độ rất nhanh của Chopin, thật tuyệt vời làm sao! Ông ấy nói là ông ấy mất mười năm để học đàn.
Nhưng Barrios rõ ràng không phải là một giáo viên. Khi muốn tìm hiểu về một vấn đề gì đó, tôi phải xem ông thực hành và sau đó đặt câu hỏi về điều đó. Ông ấy đã sửa tôi – những lỗi tôi đàn sai, so với ông ấy đàn đúng. Đó chỉ là phần kỹ thuật tốt, tôi không nhớ có bất cứ lỗi gì bất thường. Bằng cách xem ông thực hành, tôi học được rất nhiều, nhưng khi muốn hỏi ông ấy đã làm được “bằng cách nào” thì trong một số trường hợp, ông gần như không giải thích được, ông không nghĩ nhiều về điều này. Và đó là cách dạy đàn của Barrios. Ngoài chuyện ấy ra, ông là một người rất tử tế.
Lúc đó chúng tôi hy vọng Barrios sẽ ở lại Trinidad, nhưng ông ấy chỉ ở đây vài tháng. Tôi không biết nơi ông ấy sống ở khu Cảng Tây Ban Nha, chúng tôi gặp nhau tại khách sạn Queen’s Park vào những buổi học đàn. Barrios là một người khá trầm tính, ông ấy không đặt mục tiêu về âm lượng. Tôi không biết đó là do đàn guitar của ông ấy, kỹ thuật của ông ấy, hay do một cái gì đó khác. Tôi chỉ có thể nói tại thời điểm đó tôi nhận thấy rất thỏa mãn. Thiết nghĩ, nếu một người quản lý giỏi chịu giữ ông ấy lại, ông ấy hẳn là một danh nhân của thế giới, một nhạc sĩ của thế giới không chừng. Tôi nghĩ ông ấy có vẻ thầm kín. Chắc chắn ông không phải là một người đàn ông chỉ chú tâm vào công việc của mình hoặc theo đuổi danh vọng. Nhưng ít nhất ông cũng hài lòng, không hề phàn nàn về việc không được công nhận. Tôi đã không phát hiện bất cứ thái độ nào.”.
Ở đây Johnstone đã nói về một thái độ điển hình của người Paraguay. Họ hài lòng với những gì họ có. Người Paraguay hiếm khi theo đuổi danh vọng, họ phải được thúc đẩy bởi một nhu cầu cực đoan, bạn bè hoặc áp lực xã hội. Đó là cách nói tích cực, tất nhiên có ngoại lệ.
Barrios luôn luôn bị thúc đẩy bởi bạn bè của mình, Pellegrini thuyết phục ông xuất ngoại để phát triển sự nghiệp. Những người bạn ở Buenos Aires thúc đẩy ông đến Montevideo. Pagola thì nhốt ông ấy trong phòng để sáng tác nhạc. Đó là một vài ví dụ để chỉ ra rằng Barrios luôn cần động lực thúc đẩy bởi một người bạn để bắt đầu làm một việc gì đó. Điều này không có nghĩa Barrios là người thiếu tự tin vào bản thân, đó chỉ là sự bình dị trong “cách sống” của người Paraguay: hài lòng với những gì họ có. Rõ ràng rằng hầu hết những người thúc đẩy sự nghiệp của Barrios không phải người Paraguay.
Barrios năm 1936
Tháng 8/1936, ông trở lại Venezuela một lần nữa. Ông biểu diễn một vài chương trình nhưng không đạt được thành công vang dội như bốn năm về trước. Năm 1938, ông đến Havana (Cuba), ở đây ông đã viết chương Preludio Saudade bổ sung vào tác phẩm La Catedral.
Sau khi rời Cuba, Barrios gặp khó khăn về tài chính, gia đình ông cạn kiệt cả về việc làm lẫn tiền bạc. Họ khởi hành đến Costa Rica, ở đó có một người bạn tốt đề nghị họ đến nhà ông ở khoảng một năm. Barrios đã giảm hoạt động hòa nhạc trong thời gian này, có lẽ vì vấn đề sức khỏe.
Barrios năm 1937
Vào tháng 7/1939, ông khởi hành đến El Salvador để biểu diễn một vài buổi hòa nhạc. Sau đó ông đến Guatemala and Mexico. Ở Mexico City (Thủ đô Mexico), ông bị lên cơn đau tim, từ đó sức khỏe ông bị suy nhược, không khỏe mạnh như lúc còn trẻ.
Năm 1940, Barrios trở lại El Salvador, Tổng thống Maximiliano Hernandez Martinez, một người rất ngưỡng mộ Barrios đã chỉ định ông làm Giáo sư Guitar ở Nhạc viện quốc gia, đồng thời tặng ông một tấm séc trị giá 5000 colones. Điều đó gần như là một mệnh lệnh, không phải lời đề nghị, từ Tổng thống.
Cuộc sống của Barrios cuối cùng đã ổn định, không phải ở quê nhà của ông ấy, nhưng ít nhất cũng ở một nơi ông ấy được yêu mến và ngưỡng mộ. Ông chơi một vài buổi hòa nhạc ở các thị trấn của El Salvadol, nhưng ông ấy dồn hết tâm huyết vào việc giảng dạy. Sau đó, ông đã biểu diễn hòa nhạc với các học sinh của mình.
Những năm cuối đời
Barrios vào năm 1941 tại Nhạc viện Olmedo, San Salvador, 1941.
Ông đang ôm cây đàn Morant được Nữ hoàng Eugenia Victoria trao tặng,
cây đàn này hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Guzmán, San Salvador.
Tháng 3/1944, Segovia đến San Salvador để chơi một vài buổi hòa nhạc. Hai vị bậc thầy lại gặp nhau và trò chuyện vài tiếng đồng hồ ở phòng khách sạn của Segovia. Không có một nốt nhạc nào được chơi trong buổi gặp gỡ này, tình trạng thể chất của Barrios ở mức tồi tệ đến nỗi Segovia cảm thấy thương hại cho “kẻ kình địch”, như là Barrios bị lãng quên và sống nghèo khổ ở một đất nước tương đối cô lập, còn Segovia trở nên nổi tiếng và mọi người công nhận tài năng của mình. Mười lăm năm sau đó, Segovia đã nói rằng: “Barrios là người đàn ông tự hủy hoại bản thân mình, nhưng không thể vì anh ta là một thiên tài”.
Họ đã có một cuộc gặp gỡ lịch sự và thân mật, nơi Segovia để lại cho Barrios một bộ dây đàn sản xuất từ ruột động vật để làm quà tặng (thực chất là một lời chỉ trích tinh tế về việc Barrios sử dụng dây thép).
Một trong những tấm ảnh cuối cùng của Barrios
Vào những năm cuối đời, tình yêu của Barrios dành cho cây đàn guitar vẫn không phai nhạt, ông tập đàn bốn giờ một ngày. Năm 1944, ông đổ bệnh nặng và cái chết đã gần kề, ông gọi một linh mục đến và thốt ra những lời cuối cùng: “Tôi không sợ quá khứ, nhưng không biết liệu tôi có vượt qua màn đêm bí ẩn”.
Được vây quanh bởi vợ và bạn bè, Barrios từ trần ngày 7/8/1944. Vị linh mục có mặt đã tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cái chết của một vị Thánh”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Pablo Antuña (2008). Agustín Barrios Mangoré, http://guitar-moonbeams.com/.
– Richard D. Stover (1992), Six Silver Moonbeams: The Life and Times of Agustin Barrios Mangore, Clovis – Califonia: Querico Publications.
Leave a Reply