NGÓN ÁP ÚT BÀN TAY PHẢI – TỬ HUYỆT CỦA KỸ THUẬT GUITAR CỔ ĐIỂN

ThS.BS. Nguyễn Minh Hùng

Nguyên Phương


Danh mục từ viết tắt

Từ viết tắt Lý giải
Ngón p Ngón cái bàn tay phải
Ngón i Ngón trỏ bàn tay phải
Ngón m Ngón giữa bàn tay phải
Ngón a Ngón áp út bàn tay phải
Ngón s Ngón út bàn tay phải
arpeggios Kỹ thật hợp âm rải
scale Kỹ thuật chạy âm giai
tremolo Kỹ thuật reo dây

1. Đặt vấn đề

Ngón a bàn tay phải khiến người chơi guitar cổ điển gặp nhiều vướng víu, trở ngại khi trình tấu những tác phẩm có sử dụng kỹ thuật scale hay arpeggios ở tốc độ cao. Hoặc là khi thực hành kỹ thuật tremolo theo hệ thống ngón phổ biến p-a-m-i, hầu như mọi người đều gặp rắc rối với ngón a và cặp ngón a-m, vì ngón a mang lại cảm giác yếu ớt, chuyển động chậm, bị “đơ” và thường dính vào ngón m, khiến thời gian chuyển động từ ngón a đến ngón m ngắn hơn thời gian chuyển động từ ngón m đến ngón i, hay nói cách khác là cảm giác ngón a và m cứ dính chặt lại với nhau không thể chuyển động độc lập được. Khi thực hành ở tốc độ cao sẽ khiến âm thanh tremolo phát ra không đều, có hiệu ứng như tiếng “nhảy ngựa”. Một vấn đề khác được nhiều người quan tâm, vì sao khi chơi đàn guitar thường cảm thấy ngón út bàn tay phải rất thừa thải, nó thường xuyên duỗi ra ngoài khiến bàn tay không gọn đẹp, mất thẩm mỹ.

Với những vấn đề trên, có lẽ nào ngón áp út bàn tay phải thật sự là một “tử huyệt” của các kỹ thuật guitar? Chúng tôi thực hiện bài viết này với mong muốn tìm ra giải pháp để ngón a không còn là trở ngại phát triển kỹ thuật của người chơi guitar.

2. Trở ngại do đặc điểm sinh lý tự nhiên của ngón áp út

2.1. Đặc điểm sinh lý tự nhiên của ngón áp út

Sở dĩ việc luyện tập kỹ thuật guitar cổ điển trở nên khó khăn do đặc điểm tự nhiên của ngón áp út. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi sẽ phân tích trên cơ sở của lý luận Giải phẫu học.

Bàn tay con người là một tổ chức vô cùng phức tạp và tinh tế của tạo hóa. Trong đó ngón áp út có cấu trúc rất đặc biệt bởi hai yếu tố:

Thứ nhất, ngón áp út có hệ cơ yếu nhất. Trên bàn tay, có hai ngón có khả năng co duỗi tốt nhất là ngón cái và ngón út, vì chúng có hệ cơ riêng (cơ dạng, cơ gấp, cơ đối). Ngón trỏ chuyển động tương đối linh hoạt vì có cơ gian cốt mu tay thứ nhất kết hợp với cơ giun. Đến ngón giữa và ngón áp út, hai ngón này không có cơ duỗi hay cơ gấp độc lập mà phụ thuộc và cơ chung. Ngón giữa kém linh hoạt nhưng vẫn khỏe hơn ngón áp út vì ngoài cơ giun, nó có liên kết với cơ khép ngón dài. Ngón áp út yếu nhất, vì nó chỉ có cơ giun và không có cơ nào khác hỗ trợ. Do đó, khi úp bàn tay xuống, ngón áp út không thể tự nhấc lên được, cũng vì vậy mà mọi người đặt tên cho ngón áp út là ngón liệt. 

(Nguồn: Frank. H. Netter, Atlas Giải phẫu người (Vietnamese Editon), NXB. Y học, 2007, trang 456)

Thứ hai, ngón áp út được điều khiển đồng thời bởi thần kinh trụthần kinh quay. Có thể tham khảo hình sau:

(Nguồn: Frank. H. Netter, Atlas Giải phẫu người (Vietnamese Editon), NXB. Y học, 2007, trang 472)

Có thể thấy rằng, cả thần kinh trụ và thần kinh quay đều truyền dẫn tín hiệu ngón áp út đến não bộ. Nhưng hai dây thần kinh này hoạt động độc lập, không đồng bộ với nhau nên ngón áp út luôn có hiện tượng chậm, “đơ”, khó cử động so với các ngón tay còn lại.

Tóm lại, vì những đặc điểm sinh lý tự nhiên vừa nêu khiến vấn đề giải quyết sự chuyển động của ngón áp út (ngón a) trở thành một bài toán đau đầu đối với những người chơi nhạc cụ, đặc biệt là đàn piano và đàn guitar. Cũng chính vì đặc điểm này mà nhiều nghệ sĩ guitar chủ trương “né” ngón a khi chơi đàn, chẳng hạn như họ sẽ loại bỏ ngón a khi thực hiện kỹ thuật arpeggios hoặc tremolo – họ đánh tremolo với hệ thống ngón p-i-m-i hoặc p-m-i-m.

2.2. Hiện tượng ngón út (ngón s) bị duỗi thẳng

Hiện tượng này có liên quan đến đặc điểm sinh lý tự nhiên của ngón a, chúng ta thường bắt gặp ở những người mới bắt đầu học guitar. Theo kiến thức giải phẫu học đã đề cập ở trên, ngón a chịu sự điều khiển của hai thần kinh giữa và thần kinh trụ, ngón a cũng là trục đối xứng của bàn tay khi chơi đàn guitar. Theo quán tính tự nhiên, trong các hoạt động sinh hoạt bình thường của con người (như cầm, nắm, hái, lượm), ngón a sẽ hướng về chuyển động của các ngón khỏe hơn là ngón m và ngón i (thuộc sự điều khiển của thần kinh giữa). Những người mới học guitar sẽ thực hiện đánh đàn theo quán tính tự nhiên. Vì vậy, ngón út không tham gia vào nhiệm vụ đánh đàn là ngón còn lại duy nhất thuộc sự điều khiển của thần kinh trụ; mặt khác, ngón út cũng có cơ dạng và cơ gấp độc lập của riêng nó, nên nó có xu hướng duỗi thẳng ra “nghỉ ngơi” trong khi các ngón p,a,m,i thực hiện động tác đánh đàn.

Hiện tượng ngón út (ngón s) bị duỗi thẳng

Hiện tượng ngón út bị căng thẳng là bình thường, nhưng nếu không sửa ngay từ lúc đầu sẽ trở thành thói quen khi đánh đàn, thói quen lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ trở thành tật, rất khó sửa. Nhiều nghệ sĩ guitar đạt đến trình độ kỹ thuật cao vẫn mắc phải tình trạng ngón s bị duỗi thẳng, nhưng họ vẫn có thể thực hiện tốt các kỹ thuật scale, arpeggios và tremolo với tốc độ rất cao. Tuy nhiên, do ngón s bị duỗi thẳng ra khiến hình thức bàn tay bị mất thẩm mỹ, trường hợp người có ngón út dài sẽ gây vướng víu, tạo ra các âm thanh không mong muốn khi biểu diễn. Ngoài ra, trong các cuộc thi tuyển sinh vào trường năng khiếu âm nhạc, hay các cuộc thi tài năng guitar, các giám khảo sẽ không có thiện cảm và không đánh giá cao các thí sinh bị tật ngón s căng thẳng. Vì vậy, nếu phát hiện mắc phải tật này, cần phải sớm khắc phục để tránh gặp những trở ngại không mong muốn về sau. Chúng tôi sẽ nói về cách khắc phục ở phần giải pháp.

3. Giải pháp khắc phục

3.1. Thấu hiểu ngón a

Theo đặc điểm sinh lý tự nhiên, ngón a là ngón yếu nhất của bàn tay phải, khi thực hiện những động tác tỉ mỉ trau chuốt như chơi đàn, ngón a trở thành ngón khó điều khiển và vướng víu nhất. Rất nhiều người chơi đàn guitar cố gắng tìm đủ mọi phương pháp để giúp ngón a mạnh hơn và có thể trở nên độc lập như các ngón khác, họ có thể mua các dụng cụ tập lực tay để hỗ trợ, hoặc dùng dây đàn có lực căng cứng nhất (hard tension) để luyện tập kỹ thuật gamme, extension với cặp ngón i-a hoặc m-a để cải thiện sức mạnh cho ngón a, họ có thể luyện tập như vậy từ 4 đến 8 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên hiệu quả không cải thiện được bao nhiêu, thậm chí còn gây tác dụng ngược là bị hội chứng Focal Dystonia, bị loạn trương lực cơ do tổn thương thần kinh khu trú dẫn đến kết quả các ngón tay không thể điều khiển được theo mong muốn và nghỉ chơi đàn nếu không có phương pháp luyện tập để hồi phục.

Vì vậy mỗi người chơi đàn cần phải thấu hiểu ngón a, thấu hiểu đặc điểm sinh lý tự nhiên của nó, hiểu rằng một mình nó không thể chuyển động độc lập được và cần sự trợ giúp của các ngón khác, nó phải chuyển động cùng với các ngón khác. Vấn đề đặt ra là ngón a sẽ chuyển động cùng với ngón nào? Ngón a chịu sự điều khiển bới hai thần kinh giữa và thần kinh trụ, vậy nên hướng ngón a chuyển động cùng với ngón i và ngón m (theo sự điều khiển của thần kinh giữa); hay chuyển động cùng với ngón út (theo sự điều khiển của thần kinh trụ)?

Nếu ngón a chuyển động cùng với ngón i và ngón m (theo sự điều khiểu của thần kinh giữa), chúng ta sẽ lại gặp vấn đề với ngón s, do ngón s không tham gia đánh đàn nên luôn trong trạng thái thư giãn, mà ngón s trở thành ngón duy nhất chịu sự điều sự điều khiển của thần kinh trụ nên nó duỗi thẳng ra nghỉ ngơi theo trạng thái tự nhiên. Đây là hiện tượng ngón út (ngón s) bị duỗi thẳng mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị ngón a nên chuyển động cùng với ngón s, vì theo kiến thức giải phẫu học đã đề cập ở trên, ngón út có các cơ dạng, cơ gấp, cơ đối đủ mạnh mẽ để chuyển động độc lập tương tự như ngón cái (ngón p). Đồng thời, khi ngón a chuyển động cùng với ngón s thì ngón s cũng sẽ gián tiếp thực hiện nhiệm vụ đánh đàn chứ không phải là ngón nghỉ ngơi, thừa thải, vô ích. Việc ngón a đánh cùng với ngón s sẽ khắc phục được lỗi ngón út bị duỗi thẳng đã đề cập ở trên, tạo vẻ thẩm mỹ cho bàn tay phải khi đánh đàn.

Luyện tập để toàn bộ ngón a được điều khiển bởi thần kinh trụ (không có bất cứ sự chi phối nào của thần kinh giữa). Chúng ta cảm nhận dây thần kinh trụ đã làm chủ ngón a, nó đem lại cảm giác một nửa ngón a phần nằm bên ngón s hơi tê nhẹ mỗi khi chạm vào dây đàn.

Ngoài ra, trên thực tế cũng có nhiều người chơi guitar để ngón a chuyển động theo sự điều khiển của ngón i và ngón m (chịu sự điều khiển của thần kinh giữa) nhưng họ lại không bị tật ngón s duỗi thẳng do họ đã cố tình cong ngón s vào để đánh cùng các ngón i,m,a. Nếu chúng ta luyện tập đánh đàn như thế, ngón a sẽ không thể thoát khỏi tình trạng “đơ” do nó vẫn bị đồng thời hai dây thần kinh giữa và thần kinh trụ điều khiển, bên cạnh đó, chúng ta buộc phải phân tâm thực hiện thêm một động tác điều khiển cho ngón s (thuộc sự điều khiển của dây thần kinh trụ) cong theo các ngón i,m,a để tạo hình thức đẹp. Nhìn bề ngoài, khó mà phát hiện bất cứ lỗi lầm nào trên bàn tay phải, nhưng chính bản thân người chơi đàn rõ nhất, họ vẫn cảm thấy khó chịu mỗi khi đánh ngón a vào dây đàn, vẫn cảm thấy ngón a vướng víu và cảm thấy ngón s là dư thừa. Cách đánh đàn này cũng khiến cho ngón s bị gồng cứng, ảnh hưởng đến một nửa ngón a bị thần kinh trụ điều khiển cũng bị gồng cứng, làm ngón a càng bị yếu và thiếu linh hoạt hơn bình thường. Nếu quan sát kỹ, ở những câu nhạc khó, hay những đoạn nhạc cao trào của một tác phẩm, những người chơi đàn theo cách này sẽ có hiện tượng duỗi ngón s ra (hoặc ngón s vẫn cong nhưng khớp bàn – ngón tay của ngón s bị căng cứng và bạnh ra tách biệt với các ngón i,m,a làm mất vẻ đẹp đối xứng của bàn tay), vì họ dốc hết tâm trí để tập trung thể hiện câu nhạc khó nên không thể bận tâm đến việc điều khiển ngón s cong vào để tạo vẻ đẹp hoàn mỹ về hình thức. Vấn đề cuối cùng, những người luyện tập theo cách đánh này vẫn “ngại” sử dụng ngón a, họ cũng có xu hướng “né” ngón a khi đánh arpeggios hoặc tremolo.

3.2. Hình thành thói quen tốt

Hình thành thói quen tốt không có nghĩa là chúng ta không được phép phạm sai lầm, bởi vì “nhân vô thập toàn”, không ai có thể hoàn hảo tuyệt đối 100%. Chúng ta có thể sai một trăm lần, một ngàn lần nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết tìm hiểu và khắc phục lỗi sai. Để làm được việc này, chúng ta phải hiểu được thế nào là sai. Lỗi sai có thể nhận ra khi chúng ta diễn tấu một câu nhạc không được trơn tru, mượt mà; mặc dù nắm vững nhạc lý để hiểu đúng ý nhạc nhưng chúng ta thường xuyên đánh hỏng, vấp váp mỗi khi phải chơi đến câu nhạc ấy. Lúc bấy giờ chúng ta phải soi xét kỹ từng động tác (có thể là xếp ngón sai, hay là một lỗi khác ở tay trái hoặc tay phải). Chúng ta may mắn được sống trong một thời đại văn minh với mạng Internet phát triển, chỉ cần nắm rõ từ khóa bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, chúng ta có thể tìm được được lời giải đáp, xem được video minh họa để từ đó dễ dàng khắc phục. Ngoài ra, cần phải luyện tập sửa sai trước gương, thường xuyên quay video nhật ký quá trình luyện tập.

Quá trình sửa lỗi là việc từ bỏ thói quen cũ và tạo lập thói quen mới. Việc hình thành một thói quen mới là rất chậm, có thể tính bằng năm. Chúng tôi sẽ cho ví dụ về trường hợp điển hình của một người chơi guitar, một Youtuber tên Marca De Biasi đã đăng tải một video dài hơn 70 phút với nhan đề DYSTONIA Complete Treatment chia sẻ hành trình sửa lỗi bàn tay phải của mình từ ngày 21/3/2003 đến 13/3/2004. Ở đầu video, chúng ta có thể thấy bàn tay phải của anh ta đánh đàn với những ngón tay quắt queo, chuyển động không có trật tự nào, tiếng đàn thì mỏng, lép, hoặc tịt do hụt dây, hầu như không thể thực hiện được kỹ thuật arpeggios và tremolo. Sau quá trình nỗ lực điều trị, chúng ta thấy ở cuối video, bàn tay của anh ta đánh đàn rất gọn gàng (tuy một số lỗi chưa khắc phục triệt để do cần nhiều thời gian hơn), tiếng đàn của anh ta cũng dày hơn, vững chắc hơn, có thể đàn được chương nhanh Allegro Solemne của La Catheral (Barrios), thực hiện tốt kỹ thuật arpeggios trong Etude No.1 của Villa Lobos và thực hiện được cả kỹ thuật tremolo[1].

Rõ ràng, thay đổi một vài thói quen có thể khó khăn hơn…Đôi lúc nó đòi hỏi nhiều thử nghiệm và thất bại lặp lại. Nhưng khi bạn hiểu được cách một thói quen hoạt động – khi bạn chẩn đoán gợi ý, hoạt động và phần thưởng – bạn có sức mạnh để vượt qua.[2]

3.3. Tìm người thầy tốt

Người thầy mà chúng tôi nói đến ở đây không chỉ là giảng viên, giáo viên dạy chúng ta ở trường âm nhạc, người thầy ở đây mang nghĩa rộng hơn –  là bất kỳ ai có khả năng phát hiện lỗi của chúng ta. Chúng ta, dù tinh ý cách mấy cũng không thể nào kiểm soát hết những lỗi lầm của mình khi luyện tập guitar. Vì lý do đó, người thầy rất quan trọng trên con đường phát triển kỹ năng chơi đàn của chúng ta. Sách Luận Ngữ viết rằng: “Ba người cùng đi, tất có một người là thầy của ta”. Người thầy có thể là những người có kỹ thuật guitar cao siêu, hay là những cao nhân am hiểu kiến thức âm nhạc; cũng có thể là những người bình thường, nhưng hơn chúng ta một khía cạnh nào đó về cảm nhận, về thẩm mỹ, về kiến thức, về tầm nhìn. Công việc của chúng ta là lắng nghe, tiếp thu, phân tích, đánh giá những ý kiến đóng góp, và điều quan trọng là chúng ta cần soi xét lại chính bản thân mình, không ngừng học hỏi nâng cao kỹ năng và kiến thức.

Kết thúc bài viết, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã theo dõi những thông tin mà chúng tôi đã khám phá được từ những kết nối liên ngành. Con đường chinh phục cây đàn guitar đòi hỏi con người phải thực hành những kỹ năng trái lại với bản năng sẵn có, đặc điểm tự nhiên của ngón a giống như một chốt kiểm tra để phân loại những người có khát vọng chinh phục nghệ thuật và những người chơi guitar để giải trí. Nếu có đam mê chinh phục, hẳn chúng ta sẽ không ngại vấp phải những sai lầm và đứng dậy sau những sai lầm đó.  Thay lời kết bằng câu nói của triết gia Hy Lạp Platon: “Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất”.

[1]Marca De Biasi, DYSTONIA Complete Treatmenthttps://youtu.be/bjBHDUZCz9A, ngày truy cập ngày 24/10/2022.

[2] Charles Duhigg, Sức mạnh của thói quen (tái bản lần thứ 7), NXB. Lao Động, trang 433

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*